KIM TỰ THÁP KHUFU

Kim Tự Tháp Khufu

 

 

Khi học hỏi MTTL, ta quen thuộc với sự kiện là một chuyện thường có ít nhất có hai cách nhìn, hoặc theo quan điểm khoa học, hoặc theo huyền bí học, và hai quan điểm thường là khác nhau bởi còn nhiều điều chưa thể được trưng ra hết và rõ ràng vào lúc này, chúng vẫn còn chìm khuất trong sương mù của thời gian. Thế nên có người tin vào khoa học, người khác tin vào huyền bí học và giữ tinh thần cởi mở; lời khuyên đưa ra là ta nên xem các tiết lộ của huyền bí học như là giả thuyết để tìm hiểu thêm và chứng minh, mà không phải là sự thật chắc chắn không có gì phải bàn cãi.
Một trong các đề tài mà khoa học và huyền bí học cho giải thích khác biệt là kim tự tháp Khufu (Cheops), bài sẽ trưng ra chi tiết theo mỗi quan điểm để bạn đọc cân nhắc, và tự mình đi tới kết luận. Hai khác biệt chính giữa khoa học và huyền bí học là:
– Thời điểm xây kim tự tháp,
– Mục đích của nó.
Kim tự tháp Khufu là cái lớn nhất trong ba cái ở Giza, khảo cổ học nói rằng:
– Pharaoh Khufu cho xây kim tự tháp này, thời điểm xác định vào khoảng từ 2589 đến 2504 năm trước công nguyên (B.C.),
– Mục đích của cấu trúc là làm nơi chôn cất xác ướp vua Khufu.
Dầu vậy cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra xác ướp của vua trong kim tự tháp. Với huyền bí học thì có hai ý sau:
– Kim tự tháp được xây rất lâu trước thời điểm mà khảo cổ học nêu ra.
– Mục đích là dùng cho việc chứng đạo (initiation hay điểm đạo), và để bảo vệ vật quý được cất giữ bên dưới kim tự tháp.
Còn một khác biệt lớn lao khác có vẻ không hòa giải được giữa khoa học và huyền bí học, là cái sau nói rằng Ai Cập có một nền văn minh thật xa xưa, lâu đời hơn kim tự tháp rất nhiều. Khảo cổ học mạnh tay bác bỏ ý này, với lập luận vững chắc là không cổ vật, vết tích nào tìm ra lâu hơn 5000 năm về trước.
Quả thật có điều ấy, mà người ta cũng phải kể tới hiện tượng bể dâu có thể làm những cổ vật này bị chôn vùi chưa được tìm ra, ấy là sự kiện lớp vỏ địa cầu chịu nhiều sự đảo lộn trải qua bao thời gian. Các tầng đất được nâng lên hay sụt xuống khiến đáy biển thành núi cao, và đất bằng bị biển tràn ngập trở thành đáy nước.
Như thế việc hiện nay ta không tìm thấy cổ vật nào lâu hơn 5.000 năm trước:
– Không chắc có nghĩa là không có vật đó, mà rất có thể có nghĩa ta tìm chưa đúng chỗ.
(‘Tiền không mua được hạnh phúc.’
‘Tại không biết chỗ mua !’)
– Bởi vật như thế có thể nằm ở những lớp đất sâu ta chưa đào tới, chưa biết, hay dưới lòng biển.
Nói riêng về kim tự tháp, theo huyền bí học ta có hai nguồn tài liệu:
– HPB ghi rằng vua Khufu không phải là người cho xây kim tự tháp - nó đã có từ trước, mà chỉ tu bổ vài phần bị hư hại của cấu trúc này.
Về sau ta biết thêm là vua Khufu còn cho đóng lại một số phòng trong kim tự tháp.
– Sách ông A.P. Sinnett ghi chi tiết hơn. Chuyện bắt nguồn từ sự xuống dốc của mẫu chủng thứ tư và nền văn minh Atlantis, dẫn tới cơn đại hồng thủy nhận chìm châu này 800.000 năm B.C. Các phần đất khác của châu Atlantis lần lượt chìm tiếp sau đó, và lần chót là đảo Poseidon 11.500 năm B.C.
Các bậc tiến hóa cao rời châu Atlantis khi có thiên tai và tới cư ngụ ở nhiều nơi khác, trong đó có Ai Cập (khoảng 400.000 năm B.C.) và những vùng đất mà một nơi về sau là Anh quốc. Nhờ sự có mặt của những Vị này, trong một thời gian Ai Cập có được nhiều vì vua là các bậc đạo đồ. Đây là thời hoàng kim, vĩ đại của Ai Cập mà nay không còn dấu vết, hay đúng ra còn tàn tích là kim tự tháp.
Theo ông Sinnett, kim tự tháp được xây khoảng 200.000 B.C., mục đích của nó là dùng làm nơi cử hành nghi lễ chứng đạo, và để bảo vệ một số linh vật có tầm quan trọng lớn lao trong việc huyền bí. Những vật sau được chôn trong đá bên dưới kim tự tháp. Hình thể và sự đồ sộ của kim tự tháp được tính toán để nó có cấu trúc an toàn, không bị ảnh hưởng khi có động đất, và ngay cả những chấn động khi mặt đất trồi sụt hay chìm xuống biển.
Khi tới phiên Ai Cập bị suy đồi, việc dùng các phòng trong kim tự tháp cho nghi lễ huyền bí cũng giảm lần rồi mất hẳn, kim tự tháp được xây về sau này không còn dùng làm nơi hướng dẫn người đạo đồ vào khoa học huyền bí, mà là nhà mồ cho vua, quan.
Sang cấu trúc Stonehenge tại Anh, lai lịch của nó cũng sinh ra nhiều thắc mắc như kim tự tháp. Hiểu biết theo huyền bí học nói rằng Stonehenge cũng được dùng như một kiểu đền thờ, với nghi lễ cử hành ngoài trời, cũng do người từ châu Atlantis đến cư ngụ tại Anh xây nên. Stonehenge không có mái, ý đưa ra là bởi người tại Atlantis đã dùng tiến bộ khoa học hoàn toàn cho sự phát triển đời sống vật chất, các ước vọng tinh thần bị thui chột do việc theo đuổi lạc thú và xa hoa cõi trần, nhóm người định cư tại Anh chọn đường lối giản dị, đơn sơ hơn với đền thờ trần trụi và ở giữa thiên nhiên, không có chi tiết nào về kiến trúc làm con người bị chia trí tách rời thiên nhiên.
Nay sang thời điểm xây Stonehenge thì tài liệu của ông Sinnett ghi là khoảng 100.000 năm B.C., và một nguồn khác cho là 17.200 năm B.C. Bài ghi lại cả hai để bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn có đầy đủ chi tiết.

Xây Cất
Cả hai kim tự tháp và Stonehenge dùng những tảng đá lớn, mỗi cái nặng nhiều tấn chồng lên nhau, và cho tới nay nhiều giả thuyết được đưa ra về cách người xưa xây cất chúng. Bài ‘Giải Thích Hiện Tượng’ PST 83 trình bầy cách lực tác động trong thuật khinh thân, ấy cũng là cách xây kim tự tháp, theo đó sức thu hút trái đất chỉ mới là phân nửa của một luật và nửa kia là sức xô đẩy. Trọng lượng và sự ổn định tùy thuộc vào cực - polarity, và khi cực (âm, dương) của một vật có thay đổi so với cực trái đất ngay bên dưới nó thì vật có thể bay lên, theo nguyên tắc vật cùng cực đẩy nhau.
Tài liệu về huyền bí học cho rằng các đạo sư ở Ai Cập, và về sau Stonehenge ở Anh, sử dụng luật thiên nhiên này để tạo nên các cấu trúc ấy. Nói riêng về Stonehenge, khi dùng thông nhãn người ta thấy bên dưới Stonehenge có đền thờ với nghi lễ chứng đạo diễn ra ở đó. Nhân vật hành lễ có khăn đội đầu giống như thấy ở xác ướp Ai Cập, sự việc được giải thích là các giáo sĩ ở Stonehenge thuộc về một chi nhánh của huyền môn tại Ai Cập.
Cửa đền thờ mở ra hướng nam, mặt trời chiếu xuống qua đầu cửa, cho ra bóng lạ lùng trên bàn thờ trông giống hình chữ thập. Rồi cũng trong linh ảnh một hình chữ thập thấy rõ trong mặt trời, hay đúng hơn là hình chữ Vạn  卍  chuyển động. Sau này kiểm lại thì người ta thấy HPB ghi là có những phòng sâu bên dưới Stonehenge, cũng như trong The Secret Doctrine có đoạn ghi hình chữ Vạn thấy bên trong mặt trời.
Huyền bí học cho rằng những người xây cất, dựng cột đá ở Stonehenge và một số cấu trúc khác, làm việc dưới sự hướng dẫn và trợ lực của các bậc đạo sư từ Atlantis, tảng đá khổng lồ được nâng lên phần nào, hóa ra đủ nhẹ để người ta đặt chúng vào chỗ dễ dàng. Những vị này có thể biến đổi sức hút của vật chất theo một cách, khiến cho trọng lượng của vật nặng được thay đổi theo ý. Ai có thể nhìn vào Thiên Ảnh ký Akasha thấy được diễn tiến của việc xây cất.
Điểm nói thêm về Stonehenge là mặt địa chất của những tảng đá dựng ở đó. Cột đá thuộc vòng ngoài có cấu tạo muốn nói chúng được lấy từ các nơi trong vùng; nhưng mấy cột đá ở vòng trong và bàn thờ lại có thành phần cấu tạo khác hẳn, thuộc loại không thấy ở mỏ đá trong vùng ấy là England, mà thấy ở Cornwall thuộc Wales và Ireland, và không nơi nào gần hơn chỗ dựng cấu trúc.
Nó có nghĩa vật liệu cho vòng trong chắc chắn phải được mang từ một trong hai nơi này tới. Ta phải đặt câu hỏi là tại sao ai dựng Stonehenge không dùng đá có sẵn, có nhiều trong vùng và cũng tốt y vậy, mà phải cất công lấy đá từ nơi xa xôi về, trải qua đồng ruộng, sông nước, rừng sâu dài mấy trăm cây số, hay biển rộng, để làm chi ? Nhưng hiểu biết về huyền bí học giải thích là sự việc có liên quan đến đặc tính thanh bai của các loại đá khác nhau, hay từ lực của đá. Tùy công việc mà người ta thấy cần phải dùng các loại đá khác nhau.
Đầu bài ta nhắc sơ tới sự xuống dốc tinh thần ở Alantis. Đây là chuyện xẩy ra trong mọi thời đại, ở Ai Cập ban đầu ta có những vị Vua Thiêng liêng, rồi khi phần tinh thần suy đồi thì các vị đạo đồ rút lui; những vị vua về sau bắt chước xây kim tự tháp, nhưng không phải là nơi hành lễ chứng đạo mà thành nhà mồ. Tương tự vậy, nghi lễ của người Druids ban sơ ở Stonehenge thật long trọng và đơn sơ; họ không dâng cúng lễ vật trên bàn thờ, không có hiến tế mà chỉ có đổ sữa lên viên đá làm bàn thờ, và bởi rắn được coi là biểu tượng của sự phong phú, một con rắn sống được dẫn dụ lên đó liếm sữa.
Các giáo sĩ Druids khi ấy có khả năng điều khiển rắn, nên vị chủ tế sẽ đi trong đoàn rước lễ với con rắn sống quấn ở cổ. Mấy ngàn năm sau khi ảnh hưởng của họ mất đi, giáo sĩ Druids vẫn giữ truyền thống mà không còn khả năng làm chủ rắn, nên để an toàn thì nay họ đeo con rắn chết trên cổ. Tình trạng suy tàn ngày càng xuống thấp, tới mức việc hiến tế không dùng sữa làm lễ vật như trước, mà dùng máu người hay giết người tế thần, như các sử gia La Mã ghi lại.
So sánh giữa Anh và Ai Cập, hai nơi cùng đón nhận các bậc đạo đồ từ Alantis đến, thì xét ra hạt mầm của MTTL gieo ở Ai Cập cho kết quả khá hơn ở Anh. Ai Cập đạt tới một nền văn minh rực rỡ, và là một trong các trung tâm chính của những vị đạo sư, còn Anh thì hạt mầm không phát triển mà rơi trở lại vào tình trạng thấp kém như trước, sau đó là chu kỳ tiến bộ như ta thấy ngày nay.

Theo:
Pyramids and the Stonehenge, A.P. Sinnett
A Psychic Experience, Helen Veale, The Theosophist, Dec 1916, p. 310.